Từ vụ án hủy hoại rừng ở Krông pa, luận về văn bản quy phạm pháp luật
Vừa qua, TAND huyện Krông Pa đã đưa vụ án hủy hoại rừng xảy ra vào tháng 10 năm 2018 tại xã Chư Drăng ra xét xử sơ thẩm (lại). Trong vụ án này, cơ quan tố tụng đã viện dẫn Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh Gia Lai (gọi tắt là Nghị quyết 100) khẳng định khu vực các bị cáo phát dọn thực bì là rừng (trạng thái rừng TXP) để truy tố các bị cáo về hành vi hủy hoại tài sản. Theo đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, Nghị quyết 100 là văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thực thi kể từ ngày thông qua. Phản biện lại quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư bào chữa cho các bị cáo viện dẫn các quy định của pháp luật để chứng minh Nghị quyết 100 không phải là văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thực thi. Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có buổi trao đổi với Luật sư Bùi Xuân Lai, nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Nam Định, xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Luật sư cho biết, trong hệ thống các văn bản hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật được pháp luật quy định như thế nào?
Luật sư Bùi Xuân Lai: Tại Điều 3 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định: Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Đồng thời, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng văn bản đó sau khi được ban hành. Còn hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật được quy định rất rõ tại Điều 4 của Luật này.
Nghị quyết 100 của HĐND tỉnh Gia Lai nêu rõ, giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.
Phóng viên: Luật sư cho biết, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có phải văn bản quy phạm pháp luật không?
Luật sư Bùi Xuân Lai: Về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật được quy định cụ thể tại Chương II Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều 27 của Luật này đã quy định rất rõ HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để quy định: Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên không phải Nghị quyết nào của HĐND cấp tỉnh cũng là văn bản quy phạm pháp luật.
Phóng viên: Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được coi là văn bản quy phạm pháp luật phải thõa mãn được các quy định nào thưa luật sư?
Luật sư Bùi Xuân Lai: Một nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được coi là một văn bản quy phạm pháp luật khi thỏa mãn được các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 và Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phóng viên: Như luật sư đã chia sẻ, không phải Nghị quyết nào của HĐND cấp tỉnh cũng là văn bản quy phạm pháp luật, luật sư có thể dẫn chứng, biện luận để nhận diện những Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh không phải là văn bản quy phạm pháp luật?
Luật sư Bùi Xuân Lai: Nhằm hướng dẫn xác định một văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại khoản 1 Điều 3 có quy định, văn bản quy phạm pháp luật phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật. Tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định này cũng hướng dẫn, Nghị quyết do HĐND và quyết định do UBND ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp sau:
"a) Nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và các chức vụ khác;
b) Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và bầu các chức vụ khác;
c) Nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân;
d) Nghị quyết phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
đ) Nghị quyết thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; quyết định thành lập các ban, ban chỉ đạo, hội đồng, Ủy ban để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định;
e) Nghị quyết tổng biên chế ở địa phương;
g) Nghị quyết dự toán, quyết toán ngân sách địa phương;
...
l) Các nghị quyết, quyết định khác không có nội dung quy định tại các Điều 27, 28, 29 và 30 của Luật".
Phóng viên: Liên quan đến Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh có phải là văn bản quy phạm pháp luật, tại phiên tòa xét xử vụ hủy hoại rừng do TAND huyện Krông Pa xét xử công khai ngày 07/02 vừa qua đã có những quan điểm trái chiều giữa đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa và các luật sư. Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng Nghị quyết 100/NQ-HĐND tỉnh Gia Lai ngày 07/12/2017 thông qua kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Gia Lai đến năm 2025 tầm nhìn 2030 là văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thực thi kể từ ngày thông qua. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Bùi Xuân Lai: Qua nghiên cứu các hồ sơ tài liệu do phóng viên cung cấp, thông tin trên truyền thông báo chí, tham chiếu với các quy định của pháp luật, có thể khẳng định Nghị quyết 100/NQ-HĐND tỉnh Gia Lai ngày 07/12/2017 (Nghị quyết 100) không thỏa mãn đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 và Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về nội dung, Nghị quyết này thông qua kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Gia Lai đến năm 2025 tầm nhìn 2030 không phải là nghị quyết có hàm tố quy định theo Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi lẽ, nếu là văn bản quy phạm pháp luật thì bắt buộc các chủ thể, đối tượng,... chịu tác động trực tiếp của văn bản phải thực thi. Bằng chứng là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Nghị quyết theo (Điều 3) là UBND tỉnh Gia Lai đã không triển khai nghị quyết này trong thực tế (không ban hành quyết định phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Gia Lai đến năm 2025 tầm nhìn 2030) và (4 năm sau) UBND tỉnh có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh Nghị quyết này.
Theo hướng dẫn tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (đã phân tích ở trên). Nghị quyết 100 là nghị quyết không có nội dung quy định tại các Điều 27, 28, 29 và 30 của Luật. Do vậy, Nghị quyết 100 không được coi là một văn bản quy phạm pháp luật như các luật sư đã phản biện tại phiên tòa là có cơ sở.
Phóng viên: Việc xác định Nghị quyết 100 có phải là văn bản quy phạm pháp luật hay không là mấu chốt rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án, bởi đây là một trong những căn cứ pháp lý được cơ quan tố tụng viện dẫn để buộc tội, truy tố các bị cáo. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Bùi Xuân Lai: Như đã phân tích ở trên, Nghị quyết 100 không thõa mãn đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, đối tượng thực hiện nghị quyết là UBND tỉnh Gia Lai, không phải là các tổ chức, cá nhân khác. Do vậy, việc viện dẫn Nghị quyết 100 nhằm khẳng định khu vực các bị cáo phát dọn thực bì là rừng để buộc tội các bị cáo vừa không đảm bảo nguyên tắc áp dụng pháp luật, thiếu cơ sở pháp lý, mà còn sai đối tượng áp dụng. Cần nhắc lại đối tượng thực hiện của Nghị quyết là UBND tỉnh Gia Lai không phải là các tổ chức, cá nhân khác.
Thiết nghĩ, Hội đồng xét xử cần nhận định, đánh giá toàn diện nội dung, chứng cứ tình tiết của vụ án, bao gồm động cơ mục đích, căn cứ pháp lý viện dẫn buộc tội, các tình tiết khách quan, chủ quan,... để có một phán quyết công tâm, thấu tình, đạt lý.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn luật sư!
Tả Thanh Thiên
Nguồn: https://lsvn.vn/tu-vu-an-huy-hoai-rung-o-krong-pa-luan-ve-van-ban-quy-pham-phap-luat-a153581.html
{comment}